THIẾT KẾ
Với thiết kế logo thanh lịch cổ điển, mọi thứ cũ kĩ đều sẽ tươi mới trở lại.
Một chiếc logo cổ điển có thể nói lên rất nhiều về nguồn gốc, giá trị và thái độ của công ty hoặc thời kỳ mà họ đang tìm cách tái hiện. Tìm hiểu cách tạo ra logo độc đáo mang phong cách cổ điển.
Sức mạnh của những thiết kế cổ điển lên cảm xúc người xem.
Thiết kế đồ họa có khả năng khơi gợi về một thời kỳ cụ thể ngay tức thì. Một hình chữ lồng đan xen phức tạp tạo cảm giác như đã có từ trước năm 1900. Nét chữ in khuôn kiểu cũ hiện rõ vết phai tróc qua thời gian là đặc trưng của đầu thế kỷ 20. Màu sắc huyền ảo gợi về những năm 60, kiểu chữ uốn tròn như bong bóng lại trông giống biển hiệu hồi thập niên 70, còn nghệ thuật pixel thì gắn liền trong ký ức về thời những năm 80 và 90. Logo cổ điển và thiết kế hoài cổ thường gây hoài niệm và tạo nhiều cảm hứng. Một logo cổ điển sáng tạo và khôn khéo tạo cảm giác chính thống, như thể đã tồn tại từ một thời đại khác.
Có hai loại logo cổ điển: Loại một dựa trên logo doanh nghiệp cũ có sẵn, thực sự đã có từ thời cổ điển, và loại còn lại là những chiếc logo mới hoàn toàn, cố tình muốn khơi gợi về những thời kì đã qua. Sau đây là những điều bạn cần cân nhắc khi cập nhật logo cũ cho hợp với thời đại hơn hoặc thiết kế logo mới để khơi gợi về một thời kì khác.
Cách làm mới logo cổ điển hiện có cho hợp với thời đại.
Logo cổ điển có thể phản ánh lịch sử và nguồn cội lâu đời của công ty, đây là một lợi ích mà nhiều công ty di sản có thể tận dụng. Nhà thiết kế Sarah Giffrow cho biết: "Một số công ty chú trọng truyền thống, như một doanh nghiệp gia đình có lịch sử lâu đời. Họ muốn truyền tải bề dày kinh nghiệm đã có hàng thập kỉ của mình."
Khi muốn cập nhật để logo cũ phù hợp hơn với hiện tại, ta thường cần đơn giản hóa các yếu tố cổ điển phức tạp trong thiết kế. Logo từ cuối những năm 1800 và đầu những năm 1900 thường có các chi tiết như huy hiệu, cuộn giấy và kiểu chữ phức tạp, không thể thu nhỏ dễ dàng để đưa vào các mặt hàng như văn phòng phẩm hoặc vật phẩm thương hiệu.
Để làm mới logo cổ điển đang dùng, bạn phải xác định các yếu tố cần thiết trong logo cũ và chuyển hóa chúng theo nhu cầu thiết kế hiện tại, chẳng hạn như hình ảnh véc-tơ có khả năng mở rộng vô hạn. Khi được xử lý khéo léo, logo cổ điển mới cập nhật sẽ đại diện cho bề dày lịch sử và kinh nghiệm, nhưng cũng truyền tải rằng tổ chức đó vẫn phù hợp và biết bắt kịp thời đại.
Theo Giffrow: "Trọng tâm ở đây là đơn giản hóa một ý tưởng từ quá khứ của công ty." Cô viện dẫn đích danh logo của IBM, một biểu tượng vốn có rất nhiều chi tiết sang dạng hiện tại chỉ gồm ba chữ cái rõ ràng. Theo thời gian, logo trở nên đơn giản và cũng dễ nhận biết hơn.
Đôi khi, một công ty muốn sử dụng logo cũ để nhấn mạnh lịch sử hoạt động của mình. Ví dụ: nếu tổ chức chuẩn bị ăn mừng một dịp kỷ niệm trọng đại, dùng lại logo gốc và đưa lên vật phẩm kỷ niệm có thể là cách hay để khơi dậy kí ức, nhấn mạnh câu chuyện thương hiệu của công ty trong quá khứ.
Đối với logo cũ có chứa các thành phần đồ họa phức tạp, hãy đặt logo vào nơi có thể dễ dàng nhìn rõ tất cả các yếu tố đó. Chữ viết tay và kiểu chữ cũ có thể bị mê cung nội dung thị giác hoàn toàn lấn át. Logo phải luôn giúp người xem cảm nhận được thông điệp thương hiệu, mà không khiến họ phải nheo mắt.
Mẹo thiết kế logo theo phong cách cổ điển đương đại.
Một số logo cổ điển không hề lâu đời chút nào, nhưng chúng muốn gợi người xem đến một thời đại cụ thể. Một tiệm cắt tóc có thể muốn tái hiện lại bầu không khí tiệm cắt tóc cạo râu hồi đầu thế kỷ 20 hoặc một cửa hàng băng đĩa muốn trông như đang ở thời 1967. Để làm được điều đó, người thiết kế logo phải tìm hiểu các xu hướng thiết kế và quy ước của thời kỳ mà họ muốn gợi lên. Hãy xem xét kỹ càng các ấn phẩm và hiện vật mà bạn muốn tái hiện để lấy cảm hứng thiết kế. Chỉ làm cho logo trông mòn cũ thôi thì chưa đủ. Nhà thiết kế Ashley Lippard nói: "Nhiều người sẽ tạo cho logo cái vẻ sờn cũ, nhưng đấy chỉ là yếu tố bổ sung mà thôi."
Để thực sự gợi về một thời đại đã qua, hãy làm quen với công nghệ in ấn và sao chép có ở thời đó. Truyền thông trong quá khứ không sắc nét hay vuông vắn chuẩn chỉ như bây giờ. Màu cổ điển ít sống động và sắc nét hơn so với màu của máy in hiện đại, hướng đường kẻ và các chi tiết khác thường cũng không hoàn toàn chính xác từng li từng tí.
Khi ám chỉ đến thiết kế ở Mỹ đầu thế kỷ 20, Lippard nói rằng: "Nếu muốn tạo phong cách kiểu Mỹ, thì phải có chút gì đó bẩn thỉu. Hãy dùng màu kem và nâu rám nắng ấy. Như thế mới ra kết cấu." Màu sắc hồi cuối những năm 1800 và đầu những năm 1900 hiếm khi thực sự trong. Lippard nói thêm: "Hãy dùng màu đỏ thuần, rồi thêm vào chút đen. Thế mới đúng chất Mỹ. Chất lượng in thời đó không tốt bằng của chúng ra, nên không được rõ nét bằng. Hồi đó chẳng có gì mịn mượt cả."
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng: logo cổ điển của bạn vẫn cần phải phù hợp với thế kỷ 21. Logo phải dễ đọc, có thể phóng to hoặc thu nhỏ, trông đẹp mắt ở chế độ cả thước xám, có màu và đen trắng. Dù có trông như từ thời hoàng kim của nhạc disco, logo vẫn phải hiệu quả trong thời đại kỹ thuật số. Lippard gợi ý: "Hãy quan sát những chiếc áo phông hồi thập niên 70. Lấy ý tưởng nhưng đừng sao chép hoàn toàn." Tham khảo xu hướng cũ không có nghĩa đơn giản là chép lại y hệt những gì mà các nhà thiết kế đồ họa đã làm trong những thập kỷ trước.
Tự tạo logo cổ điển.
Nhìn bên ngoài, logo cổ điển có thể trông như một tác phẩm nghệ thuật analog được in bằng kỹ thuật lưới từ thập kỷ trước, nhưng nó vẫn sẽ là một tệp véc-tơ mà bạn có thể đưa lên danh thiếp và cốc cà phê. Để tạo ra một tác phẩm trông như từ quá khứ nhưng dùng được ở hiện tại, nhà thiết kế logo cổ điển phải trải qua các bước y hệt như ở bất kỳ dự án nào khác: Tìm hiểu khách hàng, ngành của họ và thông lệ ở hiện tại. Giffrow chia sẻ: "Thách thức lớn ở đây là phải tạo được thứ gì đó gợi nhớ đến thời kỳ cổ điển, nhưng không được lỗi thời."
Một cách hay để đạt được điều này là quan sát lĩnh vực hoạt động của công ty và tận dụng các xu hướng thiết kế đương đại trong lĩnh vực đó. Theo Giffrow: "Ngành công nghiệp của công ty sẽ giúp thu hẹp phạm vi. Một số bảng màu nhất định sẽ không được ưa chuộng trong một số ngành." Chẳng hạn như các công ty công nghệ có xu hướng sử dụng màu xanh lam đậm. Một logo công nghệ cổ điển có thể gợi lại kiểu chữ lồng thời máy cộng số kinh điển, nhưng dùng màu xanh lam đương thời đó để hiện đại hóa.
Để bắt đầu, bạn có thể tìm kho mẫu logo cổ điển trên Adobe Stock. Xem để lấy cảm hứng hoặc dùng làm khung cơ sở để tùy biến cho các thiết kế logo cổ điển sau này.
Hoài niệm có sức mạnh to lớn, y hệt như truyền thống và kinh nghiệm. Nếu thực hiện đúng, logo cổ điển có thể tận dụng tất cả những yếu tố đó và kể một câu chuyện mới theo phong cách cổ điển.
https://main--cc--adobecom.hlx.page/cc-shared/fragments/seo-articles/do-more-illustrator-color-blade