THIẾT KẾ
Chọn phông chữ phù hợp: Serif so với sans serif.
Các nhà thiết kế có hàng ngàn kiểu chữ để lựa chọn, mà bước đầu tiên là quyết định giữa phông chữ có chân và phông chữ không có chân. Khám phá tác động to lớn của những lựa chọn phong cách kể trên.
Lựa chọn giữa phông chữ serif hoặc sans serif.
"Kiểu chữ về cơ bản là nghệ thuật chữ viết. Khi bạn dùng kiểu chữ để thiết kế, bản thân kiểu chữ bạn chọn sẽ kể một câu chuyện" - theo nhà thiết kế Dylan Todd.
Kiểu chữ nói lên rất nhiều điều về những gì bạn đang xem. Ví dụ như kiểu chữ trên logo có thể giúp bạn hiểu được lịch sử công ty và thái độ mà họ muốn truyền tải. Kiểu chữ trong quảng cáo có thể chỉ ra một cách tinh tế loại đối tượng mà quảng cáo đang cố gắng tiếp cận, còn kiểu chữ trên bìa sách và áp phích phim có thể chỉ ra thể loại của chúng. Không dễ để tìm được phông chữ phù hợp cho một dự án cụ thể, nhưng một cách để bắt đầu quá trình này là quyết định xem kiểu chữ serif hay sans serif sẽ phù hợp hơn.
Serif là gì?
Serif là những nét nhỏ được đính vào chữ cái. Nguồn gốc serif vẫn còn là một bí ẩn. Có một giả thuyết cho rằng chúng xuất hiện khi những người chép chữ dùng bút lông hoặc lông ngỗng để lại những dấu nhỏ bằng dụng cụ viết khi họ hoàn thành mỗi nét chữ. Về sau, người ta cố tình thêm các nét nhỏ hơn theo cách đều đặn và khéo léo hơn, biến những nét trang trí đó trở thành một phần cần có trong chữ cái.
Khi nào nên sử dụng phông serif có chân.
Phông serif có thể toát lên vẻ uy quyền, chuyên nghiệp và gợi lên sức nặng của lịch sử hoặc bề dày kinh nghiệm. Phông serif như Times New Roman ngụ ý về phong cách kiểu cũ – Báo The New York Times và các tổ chức danh tiếng khác đã tồn tại hơn một trăm năm vẫn dùng kiểu chữ này. Theo nhà thiết kế Madeline DeCotes: "Chúng tạo cảm giác hơi hướng cổ điển một chút."
Todd, người sử dụng phông serif để gợi về những thời đại trước đây, cho biết: "Phông serif tạo cảm giác thiên về một tổ chức thể chế hay y học." Khi thiết kế sách cho một câu chuyện lấy bối cảnh Thế chiến II, Todd đã sử dụng phông serif để mang đến cho người đọc cảm giác như họ đang ở trong một thế giới tồn tại trước khi có các quy ước thiết kế hiện đại.
Tuy nhiên, Serif không chỉ mang tính thẩm mỹ. Chúng cũng có giá trị chức năng thực sự như nội dung con chữ. DeCotes cho hay: "Chữ serif thường dễ đọc hơn ở các kích thước nhỏ hơn. Khi bạn đọc sách in có cỡ chữ 9,5, phông serif có chân giúp bạn phân biệt chữ cái và đọc trôi chảy."
Khi nào nên sử dụng phông sans serif không có chân.
Dù một số kiểu viết cũ không có chân, chẳng hạn như Norse runes, phông sans serif chủ yếu gắn liền với kiểu chữ hiện đại. Vào năm 1928, Futura trở thành một trong những phông sans serif phổ biến đầu tiên và các kiểu chữ khác như Helvetica cũng sớm xuất hiện sau đó.
Khi mới xuất hiện, sans serif gây nhiều tranh cãi và đôi khi bị gọi là kiểu chữ "kỳ cục". Nhưng khi các nhà thiết kế theo chủ nghĩa hiện đại, như phong trào Bauhaus, áp dụng kiểu chữ sans serif, chúng trở nên gắn liền với thiết kế tiên tiến, thương mại và nỗ lực phá vỡ quá khứ của chủ nghĩa hiện đại.
Mối liên hệ đó vẫn còn đúng, như khi Todd sử dụng kiểu chữ sans serif cho một cuốn truyện tranh lấy bối cảnh ở thành phố Los Angeles đương đại, quốc tế và thời trang. Tuy nhiên, sans serif cũng có thể gợi lên nét chữ viết tay ngày nay, bỏ đi những nét thừa vốn là sản phẩm của bút lông hoặc bút lông ngỗng. Todd cho biết: "Quan niệm thông thường cho rằng sans serif mô phỏng chữ viết tay, có độ trôi chảy tốt hơn."
Phông chữ Sans serif cũng phù hợp khi không có nhiều chỗ để chép chữ. Biển báo, nội dung trong ứng dụng và tên trên bản đồ thường được viết bằng chữ sans serif. (Tất nhiên cũng có ngoại lệ. Một số họ phông chữ sans serif, như Arial, được dùng cho nội dung chính – dài hơn một hoặc hai câu.)
Theo DeCotes: "Nếu bạn đang xây dựng một ứng dụng hoặc thiết kế một trang web, thì kiểu chữ không chân sans serif thường là lựa chọn phù hợp", vì dễ đọc là vấn đề quan trọng trên các màn hình nhỏ hoặc có độ phân giải thấp. DeCotes nói thêm: "Sans serif được dùng cho mục đích chỉ đường hoặc biển báo." Một trong những phông chữ được biết đến nhiều nhất ở Hoa Kỳ, Clearview, thuộc loại sans serif. Phông này được thiết kế riêng cho các biển báo cao tốc. Người lái xe cần phải đọc một lượng nhỏ chữ từ khoảng cách xa và trong trường hợp đó, phông sans serif là lựa chọn phù hợp.
https://main--cc--adobecom.hlx.page/cc-shared/fragments/seo-articles/creativity-for-all-blade