THIẾT KẾ
Sáng tạo cái đẹp và đi tìm bình yên nội tại với nghệ thuật mandala.
Khám phá lịch sử nghệ thuật mandala và xem mẹo để biết cách tự vẽ các biểu tượng thiêng liêng này.
Mandala là gì?
Trong tiếng Phạn cổ của Hindu và Phật giáo, mandala có nghĩa là "vòng tròn". Theo truyền thống, mandala là một thiết kế hoặc họa tiết hình học tượng trưng cho vũ trụ hoặc các vị thần thuộc về nhiều thế giới siêu thực khác nhau. Nghệ sĩ Saudamini Madra cho biết: "Mandala tập trung tìm kiếm sự bình yên trong tính đối xứng của thiết kế và vũ trụ."
Nghệ sĩ kiêm giáo sư toán học Fernanda Bonafini bắt đầu vẽ tranh mandala chỉ vì thích. Bonafini nói: "Trong quá trình vẽ tranh mandala, bạn sẽ thấy bình tĩnh và thanh thản hơn nhiều, hơi thở và nhịp tim cũng chậm lại. Bạn sẽ cảm nhận rõ và kết nối với tâm trí và cơ thể mình."
Người dân ở nhiều nền văn hóa khác nhau trên khắp thế giới đã tạo ra các mandala. Điều đó cho thấy rằng hình dạng này kết nối với điều gì đó sâu thẳm bên trong mỗi con người. Nhà phân tích tâm lý lỗi lạc Carl Jung tin rằng mandala tượng trưng cho Bản ngã và việc vẽ mandala tạo ra một không gian thiêng liêng để ta gặp gỡ Bản ngã đó. Ông cho rằng vẽ mandala là một hình thức trị liệu nghệ thuật hiệu quả, giúp xoa dịu và an ủi những người đang phải vật lộn với các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Người Maya, người Aztec, thổ dân Úc và người Công giáo châu Âu đều tạo ra các mandala dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng mandala phổ biến nhất trong nghệ thuật Phật giáo và đạo Hindu ở tiểu lục địa Ấn Độ.
Mandala cát của Phật giáo.
Trong nhiều thế kỷ, các nhà sư Phật giáo Tây Tạng đã tạo ra những hình vẽ tượng trưng vũ trụ này từ cát màu. Khi chủ tâm dùng phễu kim loại và que đặt xuống từng hạt cát, các nhà sư sẽ bước vào trạng thái như dòng nước chảy. Khi dần tiến về trung tâm của tác phẩm, họ sẽ trải qua trạng thái siêu việt của Bản ngã và thực tại của vũ trụ, trong đó tất thảy chúng sinh đều thoát được khổ đau. Sau nhiều ngày hoặc nhiều tuần lao động, họ sẽ thực tập không bám chấp và thể hiện tính vô thường của vạn vật bằng cách phá hủy bức mandala đó.
Mandala của đạo Hindu.
Còn được gọi là yantra, mandala có nguồn gốc từ Phật giáo và du nhập vào đạo Hindu. Yantra truyền thống có hình vuông, mỗi cạnh có một cánh cổng bao lấy một vòng tròn ở giữa, bên trong vòng tròn này là một trong các vị thần Hindu. Thông qua sáng tạo mandala trong dòng chảy thiền định, người nghệ sĩ triệu hồi vị thần đó về giúp họ khám phá ra những chân lý vũ trụ.
Cách tự vẽ mandala.
Để bắt đầu, hãy nghĩ khái quát xem bạn muốn tạo ra mandala như thế nào. Hình tròn hay hình chữ nhật, đen trắng hay có màu. Hoặc có thể bạn sẽ muốn vẽ mandala hoa có cánh hoa và hình lá. Nhưng đừng lo lắng nếu bạn không chắc mình muốn gì. Madra nói: "Đôi khi tôi không biết mình đang làm gì nữa. Tôi cứ thế bắt đầu từ lớp nhỏ nhất, vòng tròn trong cùng, rồi mở rộng dần ra, thế là mọi thứ thay đổi. Tôi thích vẽ ngẫu hứng kiểu như vậy." Nếu bạn cần cảm hứng, hãy nghiên cứu các hoa văn xung quanh mình hoặc xem một số mandala mẫu trên Behance.
Bước đầu tiên để vẽ được mandala là tạo lưới, dù đó là mandala kiểu gì đi nữa. Madra nói: "Mandala cần phải đối xứng và mọi hoa văn đều bằng nhau." Bonafini gợi ý vẽ các đường lưới cắt vòng tròn ở góc 30 hoặc 45 độ. Cho dù hình dạng cuối cùng là vuông hay tròn, bạn đều có thể bắt đầu vẽ từ điểm trung tâm bằng một hình tròn. Tiếp theo, hãy quyết định xem bạn muốn dùng hình dạng gì để vẽ tỏa ra từ vòng tròn đó, như hình chữ U hoặc chữ V ngược. Lớp kế tiếp sau đó phải hơi khác một chút. Thay đổi nhẹ hình dạng, tô lòng bằng các nét vẽ hoặc màu sắc khác nhau. Madra cho biết: "Cùng là một hoa văn, nhưng những biến tấu nhẹ này sẽ tạo ra diện mạo khác biệt cho tác phẩm cuối cùng."
Nếu không chắc nên dùng hoa văn nào, hãy nghiên cứu những mẫu bạn thích trong các mandala khác. Chọn lấy hoa văn thu hút bạn và kết hợp chúng theo ý thích. Bonafini khuyên bạn nên luyện tập từng mẫu riêng lẻ trước khi ghép thành hình tròn. "Cố gắng luyện chuyển động của cánh tay để vẽ cho thật đều. Đó chính là điều làm cho mandala trở nên hài hòa, dễ chịu về mặt thẩm mỹ."
Madra gợi ý bạn nên sưu tầm những hoa văn mà mình thích. "Hãy lập kho lưu trữ hoa văn cho mình, để bất kì khi nào bạn cảm thấy bế tắc hoặc cứ lặp đi lặp lại mỗi một mẫu, bạn có thể tham khảo lại kho lưu trữ của mình."
Ưu điểm của vẽ bằng kỹ thuật số.
Bạn không cần phải vẽ bằng cát hoặc bút gel mới tạo được một bức mandala đẹp mắt. Bonafini thích vẽ trên máy tính bảng. "Tôi có thể sáng tạo, và nếu không thích nữa thì xóa đi thôi. Tôi có thể vẽ cùng một hoa văn nhiều lần. Với giấy, nếu tôi tưởng tượng ra điều gì đó và rồi mọi thứ không hợp lắm, tôi sẽ mất luôn toàn bộ ý tưởng." Chưa hết, máy tính bảng còn cho phép bạn mang theo tất cả họa cụ của mình mọi lúc mọi nơi. Bạn có thể vẽ tiếp mandala bất cứ khi nào bạn muốn.
Tiết kiệm thời gian bằng tính năng vẽ đối xứng.
Tạo ra một bức mandala xinh đẹp trong tích tắc với các tùy chọn đối xứng trong Adobe Photoshop. Để cho ra ngay hình đối xứng, chỉ việc nhấp vào biểu tượng con bướm trên thanh Tùy chọn và mở ra menu Vẽ đối xứng.
Chọn Tỏa tròn hoặc Mandala để chia hình tròn thành các phần. Tỏa tròn cho phép bạn chọn tối đa 12 phần, mỗi nét cọ bạn vẽ ra sẽ tự lặp lại quanh điểm trung tâm. Với Mandala, bạn có thể chọn tối đa 10 phần. Cứ mỗi lần bạn vẽ một nét trên canvas, nét đó sẽ được phản chiếu và lặp lại ở mỗi phần. Thật dễ dàng và thú vị. Bạn sẽ ngạc nhiên trước tác phẩm đẹp mắt mà mình có thể tạo ra nhanh chóng.
Trên một lớp mới, chọn công cụ Cọ, Bút chì hoặc Tẩy. Hãy nhớ, bạn có thể biến hóa nét vẽ và dùng kỹ thuật màu nước. Nếu mỗi tầng nằm trên một lớp riêng, bạn có thể đổi nét hoặc màu của từng tầng mà không phải chỉnh lại tất cả các tầng khác.
Khi dần có nhiều kinh nghiệm hơn và tăng độ phức tạp cho hoa văn, hãy ghi nhớ lời khuyên của Madra dành cho người mới bắt đầu: "Luôn nhớ ba điều: thực hành, kiên nhẫn và bền bỉ."
https://main--cc--adobecom.hlx.page/cc-shared/fragments/seo-articles/do-more-photoshop-color-blade