Mọi thứ bạn cần để chọn một bảng màu phù hợp.

Một khía cạnh kỳ thú của lý thuyết màu là tâm lý học về màu, giải thích cách con người diễn giải màu sắc và gán ý nghĩa cho chúng. Màu sắc ảnh hưởng đến cảm nhận của bạn về sản phẩm, cách bạn đưa ra quyết định và cách bạn diễn giải thông điệp.

Màu sắc là một công cụ quyền lực cho nghệ sĩ và nhà thiết kế, nên học cách khai thác màu là phương pháp vững chắc để đạt được thành công. Dù bạn muốn thiết kế logo mới hay mô phỏng trang chủ, hiểu ý nghĩa màu sắc và ý nghĩa liên hệ sẽ giúp bạn chọn màu phù hợp nhất để kể chuyện.

Sáng tạo với bảy sắc cầu vồng.

Đỏ

Đỏ là màu rất mạnh, gắn với cả cảm giác tích cực lẫn tiêu cực. Về mặt tích cực, màu đỏ tượng trưng cho sức mạnh, đam mê và tự tin. Nhưng cũng có thể tạo cảm giác hung hăng, tượng trưng cho sự tức giận, cảnh báo hoặc nguy hiểm. Điều này không có nghĩa là bạn nên tránh hoàn toàn màu đỏ; bạn có thể sử dụng cả hai mặt của màu đỏ và ý nghĩa mạnh mẽ của nó để mang lại lợi thế cho mình.

Hình minh họa khuôn mặt của một người đang nhắm mắt

Nhà thiết kế UI và UX Aliza Ackerman cho biết: "Ví dụ: nếu bạn đang thiết kế UI hoặc UX, đừng sử dụng màu xanh lam trên nút Xóa. Bạn muốn dùng một màu có tác dụng như một lời cảnh báo để nói rằng: Bạn sắp xóa nội dung này. Bạn có chắc muốn làm điều đó không?"

Màu đỏ có thể thúc đẩy mọi người đưa ra quyết định nhanh hơn. Hầu như mọi thương hiệu thức ăn nhanh đều có màu đỏ trong bảng màu của mình, vì màu đỏ gây ra phản ứng vật lý, khiến mọi người đói hơn và kích thích cảm giác thèm ăn. Tương tự như vậy, các công ty thường chọn màu đỏ để thông báo giảm giá vì tạo cảm giác cấp bách cho thông điệp.

Cam

Màu cam tươi sáng và tràn đầy năng lượng. Vui vẻ, tinh nghịch, thú vị, mạnh mẽ và thu hút sự chú ý là tất cả những đặc tính mà bạn có thể truyền tải vào thương hiệu hoặc thông điệp của mình bằng màu cam. Nhiều thương hiệu công nghệ sử dụng màu cam, có thể vì màu này truyền đi tinh thần lạc quan và năng lượng trẻ trung mà một công ty công nghệ khởi nghiệp muốn truyền tải.

Vàng

Màu vàng tạo lên sự vui vẻ và tươi mới vào bảng màu của bạn. "Đây là màu rất mạnh và thực sự thu hút ánh nhìn, vì vậy tôi thường dùng màu này rất dè dặt, như làm màu nhấn" - Ackerman nói. Giống như đỏ, màu vàng cũng có thể đóng vai trò như tiếng còi báo động và đưa ra những thông điệp thông tin táo bạo.

Minh họa hình giống nàng tiên cá với những chú cá bơi xung quanh
Hình minh họa một con cú

Xanh lá

Xanh lá là một trong những màu linh hoạt nhất trên bánh xe màu bởi nó có mặt rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày. Tiền bạc, cây cối, thực phẩm và đèn giao thông đều sử dụng màu xanh lá cây. Sắc xanh lá bạn chọn có thể truyền tải những thông điệp rất khác nhau. Mối liên hệ với thiên nhiên có thể mang lại cho thương hiệu thực phẩm tự nhiên hoặc phòng tập yoga của bạn cảm giác hữu cơ tự nhiên và lành mạnh, trong khi sắc xanh sáng hơn thường dùng cho các ứng dụng tài chính. Ackerman nói thêm: "Màu xanh trầm dịu tạo cảm giác thực sự nhẹ nhàng và thư giãn, còn xanh rực lại tươi mát và tràn đầy năng lượng hơn."

Xanh dương

Màu xanh dương mang lại cảm giác thư thả, êm ái và thân thiện. Đây thường là lựa chọn an toàn, trung lập và có thể mang tính chuyên nghiệp hoặc thân thiện, tùy thuộc vào cách bạn sử dụng. Màu xanh dương tạo cảm giác đáng tin cậy và được rất nhiều thương hiệu trong mọi ngành tận dụng để xây dựng hình ảnh tích cực cho mình.

Ngoài ra, xanh dương có thể gợi lên cảm giác buồn. Một phần là do xanh dương nằm ở phần lạnh trên quang phổ màu, trái ngược với các màu ấm như đỏ và cam. Nhưng một lần nữa, các sắc thái khác nhau của màu xanh dương gợi lên những cảm xúc khác nhau; hãy ghi nhớ điều này khi bạn chọn bảng màu.

Tím

"Tím là một màu rất trang nhã. Màu tím tượng trưng cho lòng trung thành, vì vậy bất cứ khi nào bạn muốn xây dựng lòng tin, tím là một lựa chọn tuyệt vời" - Ackerman nói. Ngoài sự tin tưởng, tím thường được coi là màu của bí ẩn. Màu sắc rực rỡ này theo truyền thống là màu nữ tính và cũng có mối liên hệ lâu đời với hoàng gia và sự sang trọng.

Ý nghĩa lịch sử của màu sắc không quyết định cách bạn có thể sử dụng, nhưng nên lưu ý rằng những mối liên hệ ăn sâu hoặc thậm chí vô thức như thế này có thể vô tình thay đổi thông điệp của bạn

Hình minh họa hai người ngồi trước một chiếc xe cắm trại với một người ngồi trên nóc xe

Hồng

"Nhiều thương hiệu hướng đến đối tượng khách hàng nữ tính sử dụng màu hồng" - Ackerman nói. Vừa ấm áp vừa vui tươi, hồng là một màu sắc mạnh mẽ thường khiến mọi người nghĩ đến đam mê, tình yêu và tuổi trẻ. Tông hồng đậm nóng gợi cảm giác cấp bách, còn màu hồng phấn tối giản lại dịu nhẹ và trung tính hơn.

Màu hồng là một ví dụ tuyệt vời về việc ý nghĩa của màu sắc có thể thay đổi theo dòng chảy xã hội qua thời gian. Trước đây được coi là màu của "con trai", màu hồng hiện nay chủ yếu gắn liền với tính nữ.

Trắng

Màu trắng thường tượng trưng cho sự đơn giản, thuần khiết và sạch sẽ. Màu trắng thường được dùng để tạo độ tương phản cho thiết kế của bạn, mang đến một không gian sạch sẽ, trung tính, giúp thiết kế bớt lộn xộn. Ackerman cho biết: "Mục đích là tạo không gian cho các yếu tố khác và làm nền để giới thiệu phần mà bạn muốn thu hút nhiều sự chú ý hơn."

Nâu

Theo Ackerman, màu nâu trung tính tự nhiên "mang lại cảm giác ấm áp và an toàn". Đây là một màu rất mộc mạc, dễ dàng gợi đến các yếu tố từ thế giới tự nhiên. Nếu bạn muốn có cảm giác hữu cơ, lành mạnh thì nâu là màu tuyệt vời để thêm vào bảng màu.

Xám

Là một tông màu trung tính thực thụ, xám hầu như luôn được sử dụng làm màu phụ hoặc màu nhấn. Có thể được sử dụng để làm dịu hoặc bổ trợ cho bất kỳ màu sắc nào, hoặc dùng làm nền hậu cảnh yên tĩnh. Cố gắng không dùng toàn màu xám vì sẽ làm mất đi sự cân bằng, biến thiết kế từ trung tính thành ảm đạm và nhàm chán.

Hình minh họa một người đang đi bộ qua công viên ở màu thước xám

Đen

Đen là màu quyền lực, mang lại sức hút và sắc nặng cho thông điệp của bạn. Sử dụng màu đen vừa phải có thể giúp thiết kế của bạn trông chỉn chu và tối giản. Nền đen ngày càng được lựa chọn nhiều trong thiết kế web, nhưng hãy cẩn thận đừng để giao diện của bạn quá tối và nặng nề.

Chắc chắn có những dịp mà một mảng màu đen đậm có thể kể câu chuyện của bạn theo cách không gì sánh bằng. Nếu bạn cần thêm nét cá tính cho thiết kế của mình hoặc tông màu tinh tế và nghiêm túc, đen chính là màu kinh điển không thể bỏ qua.

Mẹo nâng cao kỹ năng chọn màu.

Mỗi nền văn hóa gắn ý nghĩa khác nhau cho màu sắc.

Chúng ta thường nghĩ màu sắc là một ngôn ngữ chung, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Màu sắc không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa giống nhau ở các nền văn hóa và quốc gia khác nhau. "Ở Mỹ, màu trắng tượng trưng cho sự thuần khiết, ngây thơ và giản dị. Nhưng ở Trung Quốc, trắng gắn liền với cái chết và mọi người mặc đồ trắng đến đám tang" - Ackerman chỉ ra. Nếu bạn thiết kế cho đối tượng khán giả toàn cầu, hãy tìm hiểu cách các nền văn hóa khác cảm nhận màu sắc để tránh vô tình gửi đi thông điệp sai.

Ba vòng tròn có các từ Hue, Saturation và Luminance bên trong

Sắc thái cũng quan trọng như màu.

Có ba yếu tố tạo thành màu: Sắc độ, độ bão hòa và độ sáng. Khi bạn tạo bảng màu, sắc thái và tông màu cũng quan trọng như màu sắc bạn chọn. Màu xanh navy đậm tạo cảm giác táo bạo, mạnh mẽ và nam tính hơn, trong khi xanh nhạt hoặc xanh da trời cho cảm giác thoáng đãng, tươi sáng và trẻ trung. Khi chọn màu, hãy nghĩ đến nhiều sắc thái khác nhau mà màu đó bao hàm và những tâm trạng khác nhau mà chúng tạo ra.

Xét về góc độ UX, Ackerman thường chọn những tông màu nhẹ nhàng hơn, đặc biệt là trong màu đen và trắng. "Tôi giảm độ sáng cho màu đen hoặc trắng tinh khiết xuống vài nấc. Tôi luôn cố gắng sử dụng màu xám nhạt hoặc trắng đục nhẹ vì sẽ dễ chịu hơn cho mắt người, đặc biệt là trên màn hình."

Thử nghiệm phối màu.

Màu sắc có thể mang ý nghĩa mới khi được kết hợp với nhau. Phối màu có thể thúc đẩy, làm giảm giá trị thông điệp hoặc tạo ra một ý nghĩa hoàn toàn mới; cách tốt nhất để lựa chọn bảng màu phù hợp cho công việc là thử nghiệm và thử nghiệm. Thử trình tạo bảng màu của Adobe để tự tạo bảng màu và tìm hiểu mối quan hệ giữa các màu phối khác nhau.

Một thiết kế chất lượng thường bắt đầu bằng một lý thuyết màu thông minh. Giờ đây, khi đã biết về tâm lý học đằng sau màu sắc, bạn đã sẵn sàng áp dụng bánh xe màu vào một số thiết kế của riêng mình.


Người đóng góp

Aliza Ackerman


https://main--cc--adobecom.hlx.page/cc-shared/fragments/seo-articles/do-more-illustrator-color-blade